title

Hội thảo “Quản lý và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn - từ chính sách đến thực tiễn”
Thứ tư, 09/08/2023, 14:43 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Sáng ngày 9/8, Ban Quản lý (BQL) rừng phòng hộ huyện tổ chức Hội thảo “Quản lý và phát triển bền vững hệ sinh thái rừng ngập mặn – từ chính sách đến thực tiễn”. Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Viên Ngọc Nam, Giảng viên cấp cao Trường Đại học nông lâm Thành phố; đồng chí Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện, cùng dự có lãnh đạo và các nhà khoa học đến từ các Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, Viện nghiên cứu thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trường Đại học thuộc Thành phố Hồ Chí Minh.

 

 

Đ/c Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu đề dẫn tổng kết 45 năm phục hồi, bảo vệ và phát triển hệ sinh thái Rừng ngập mặn Cần Giờ, đồng chí Huỳnh Đức Hoàn, Trưởng Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện cho biết, huyện Cần Giờ có diện tích chiếm gần 1/3 tổng diện tích tự nhiên của Thành phố Hồ Chí Minh; trong đó, rừng phòng hộ Cần Giờ chiếm hơn một nửa diện tích tự nhiên toàn huyện, có ranh giới tiếp giáp với các tỉnh Long An, Tiền Giang, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, một phần giáp Biển Đông cộng với mạng lưới sông rạch chằng chịt tạo ra nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn, bất lợi trong thực hiện nhiệm vụ quản lý và bảo vệ rừng.

Để quản lý, bảo vệ diện tích 34.813,64 ha rừng và đất quy hoạch phát triển rừng được giao, BQL rừng phòng hộ huyện (Chủ rừng) thực hiện chính sách giao khoán rừng cho tổ chức và hộ gia đình nhận khoán bảo vệ, một phần diện tích do Ban tự tổ chức lực lượng bảo vệ theo chủ trương của Thành phố từ những năm 1983. Trong 45 năm qua có 17 đơn vị trực tiếp tham gia trồng rừng và bảo vệ rừng; giao khoán mới những diện tích có rừng cho 179 hộ gia đình. Đến nay, qua nhiều năm thay đổi về tổ chức, Ban Quản lý rừng phòng hộ hiện đang giao khoán bảo vệ rừng cho 11 đơn vị và 130 hộ gia đình có hộ khẩu thường trú tại huyện Cần Giờ.

 

 

Ý kiến của các chuyên gia

Kinh phí bảo vệ rừng luôn được UBND Thành phố Hồ Chí Minh quan tâm điều chỉnh nhằm đảm bảo cho người giữ rừng ổn định cuộc sống từ lương bảo vệ rừng. Qua nhiều lần điều chỉnh đơn giá tiền công bình quân, từ mức 50.000 đồng/ha/năm năm 1993, đến nay đơn giá bảo vệ bình quân là l.156.000 đồng/ha/năm (điều chỉnh từ năm 2013 và hiện do ngân sách Thành phố chi trả). Cơ cấu tiền công đã bao gồm chi phí nhiên liệu, sinh hoạt, nhân công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người dân tham gia giữ rừng.

Ngoài ra, từ năm 2010, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho phép Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện thực hiện Dự án ‘‘Đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ công tác quản lý, phát triển rừng ngập mặn Cần Giờ’’; trong đó, có hạng mục đầu tư xây mới nhà chốt bảo vệ rừng kiên cố cho tất cả các hộ dân nhận khoán bảo vệ rừng phòng hộ Cần Giờ. Diện tích nhà chốt là 40m2/căn và nâng cấp hệ thống điện năng lượng mặt trời lên 150W/hộ nhằm bảo đảm nơi sinh hoạt cũng như sức khỏe cho hộ giữ rừng để bảo vệ rừng ngày càng tốt hơn.

Tại hội thảo, các chuyên gia đã báo cáo các chuyên đề khoa học về: vai trò rừng ngập mặn – mô hình, giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu; Dự án các-bon xanh cho rừng ngập mặn Cần Giờ trong bối cảnh triển khai thực hiện Nghị quyết 98/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh…

Đồng chí Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện nhận  định, Hội thảo đã thể hiện tính nghiêm túc, trách nhiệm và hiệu quả, giúp cho UBND và BQL rừng phòng hộ huyện có thêm những tư liệu hết sức quý báu để thực hiện tốt công tác quản lý, điều hành, chỉ đạo, góp phần tiếp tục phát triển rừng ngập mặn bền vững, giảm thiểu tác động của nước biển dâng, ổn định bờ biển, mở rộng bãi bồi, chắn sóng, gió bão, nước triều dâng và các thảm họa thiên nhiên khác.

Tra cứu các chữ viết tắt trong bài viết.

MC-KL

Số lượng lượt xem: 45
Tin mới hơn
Tin đã đưa