title

Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan, kiến trúc đô thị trên địa bàn huyện Cần Giờ
Thứ tư, 21/09/2022, 14:52 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Sáng ngày 21/9, Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố do ông Cao Thanh Bình, Trưởng Ban Văn hóa - xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố làm Trưởng đoàn đã có buổi giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan, kiến trúc đô thị trên địa bàn huyện Cần Giờ.

Tham dự có bà Nguyễn Thị Nga, Ủy viên Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố; bà Trương Thị Mai Hương, Viện Phó Viện Nghiên cứu phát triển Thành phố; Tiến sĩ khảo cổ Nguyễn Thị Hậu, Tổng Thư ký Hội sử học Thành phố; ông Trương Tiến Triển, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện; ông Cao Văn Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện; cùng đại diện các Sở, ngành Thành phố, đại diện lãnh đạo Ban Kinh tế - Xã hội HĐND huyện, phòng, ban chuyên môn huyện.

Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố và lãnh đạo huyện nghe thuyết minh về công tác khai quật tại Khu Di tích khảo cổ Quốc gia Giồng Cá Vồ, ấp Hoà Hiệp xã Long Hòa

 

Đoàn giám sát Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân Thành phố và lãnh đạo huyện thắp hương tưởng niệm tại Khu Di tích Lịch sử Quốc gia Căn cứ Rừng Sác, xã Long Hòa

Huyện Cần Giờ có khoảng 35 cơ sở tín ngưỡng dân gian Đình, Chùa, Miếu... Trong các cơ sở tín ngưỡng dân gian, có một số loại hình tín ngưỡng dân gian đã được công nhận Di tích Lịch sử - Văn hóa cấp Thành phố và Quốc gia như: Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ; 06 di tích lịch sử (02 di tích cấp quốc gia; 02 di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố; 02 di tích lịch sử).

Hiện nay, các cơ sở di tích Lịch sử - Văn hóa hoạt động tương đối tốt, có sự quản lý của chính quyền địa phương theo quy định của Luật Di sản. Tại các di tích, cảnh quan môi trường xung quanh sạch đẹp, không xảy ra tình trạng cháy nổ làm hư hại đến di tích; nội bộ Ban Tư tế, Ban Quản trị tại các di tích đi vào nề nếp và hoạt động tốt. Các di tích Lịch sử - Văn hóa và các cơ sở tín ngưỡng dân gian trên địa bàn huyện đã được hướng dẫn cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không có trường hợp lấn chiếm hay cư ngụ bất hợp pháp đất di tích Lịch sử - Văn hóa.

Theo đó, thông qua việc đánh giá kết quả thực hiện công tác bảo tồn di sản trên địa bàn huyện, Ủy ban nhân dân huyện tập trung đánh giá vào công tác triển khai và tiến độ thực hiện các dự án, góp phần bảo tồn các loại hình di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn huyện gồm: Di tích khảo cổ Quốc gia Giồng Cá Vồ, ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa; dự án tu bổ, mở rộng Di tích lịch sử Quốc gia Căn cứ Rừng Sác, xã Long Hòa; dự án tu bổ, sửa chữa Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Cần Thạnh; dự án tu bổ, sửa chữa Di tích lịch sử Đình Dương Văn Hạnh xã Lý Nhơn; dự án tu bổ, sửa chữa Di tích lịch sử Đình Bình Khánh và Mộ tiền hiền Trần Quang Đạo, xã Bình Khánh; dự án tu bổ, mở rộng Di tích Lăng Ông Thủy tướng; bảo tồn và phát huy Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Nghinh Ông huyện Cần Giờ.

Tại buổi làm việc, các đồng chí tham dự đã trao đổi, thảo luận, đề xuất, kiến nghị để việc bảo tồn di sản và cảnh quan, kiến trúc đô thị trên địa bàn huyện Cần Giờ được đảm bảo và phát triển.

Thông qua giám sát nhằm đánh giá tiến độ và hiệu quả thực hiện Nghị quyết 52/NQ-HĐND ngày 08/12/2019 của Hội đồng nhân dân Thành phố về kết quả giám sát việc bảo tồn di sản và cảnh quan, kiến trúc đô thị trên địa bàn huyện Cần Giờ; qua đó, xác định những thuận lợi, khó khăn, bất cập và nguyên nhân trong quá trình thực hiện Nghị quyết 52/NQ-HĐND để có cơ sở đề xuất, kiến nghị, giúp việc thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Trước buổi giám sát, Đoàn đã đến khảo sát thực tế tại Khu Di tích khảo cổ Quốc gia Giồng Cá Vồ, ấp Hoà Hiệp và khu Di tích Lịch sử Quốc gia Căn cứ Rừng Sác, xã Long Hòa.

Tra cứu các chữ viết tắt trong bài viết.

KL

Số lượng lượt xem: 495
Tin mới hơn
Tin đã đưa