title

Nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả
Thứ ba, 26/12/2017, 10:15 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Trong những năm qua, huyện luôn xác định việc tập trung phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả là giải pháp hàng đầu để tạo động lực cho việc thực hiện nâng chất các tiêu chí xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Đây cũng là một trong những giải pháp để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển bền vững.

Chính vì thế, với vai trò là cầu nối chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho người nông dân, trong giai đoạn 2016 – 2017, Phòng Kinh tế, Trạm Thủy sản An Nghĩa, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp triển khai thực hiện các mô hình trình diễn, thực nghiệm đạt hiệu quả như mô hình nuôi cá mú thương phẩm trong ao đất, mô hình nuôi tôm thẻ thâm canh qua 2 giai đoạn, mô hình tôm thẻ thâm canh ghép với nuôi cá rô phi trong vèo, mô hình nuôi ốc hương trên nền cát, mô hình nuôi cua bằng nguồn giống nhân tạo, mô hình nuôi tôm sú xen cua, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng theo hướng nuôi tốt GAP, thu hút hơn 100 hộ nông dân tham gia với tổng số vốn đầu tư gần 3,5 tỷ đồng. Ngoài ra, các hộ nông dân trên địa bàn huyện đã thực hiện 04 mô hình sản xuất có hiệu quả như mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng công nghệ cao, mô hình nuôi cá dứa, mô hình nuôi tôm sú Moana, mô hình nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn, tổng số tiền đầu tư 2,96 tỷ đồng, kết quả thu được 47,85 tấn, doanh thu 2,77 tỷ đồng, lợi nhuận 2,37 tỷ đồng. Thông qua các mô hình trình diễn, nông dân đã lựa chọn được các con giống mới để đầu tư phát triển sản xuất góp phần tăng sản lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao, như hộ ông Nguyễn Trần Thành Tâm – ngụ xã Bình Khánh đã đầu tư mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn với diện tích thả nuôi 0,55 hecta với 0,6 triệu con tôm giống, kết quả sau 3,5 tháng nuôi tôm, sản lượng thu hoạch đạt 6,48 tấn, lợi nhuận 584 triệu đồng. Hộ ông Bùi Minh Đồng – xã An thới Đông nuôi tôm thẻ 2 giai đoạn với diện tích 0,25 hecta, lượng giống 0,375 triệu con, sản lượng thu hoạch đạt 30 tấn, hiệu quả kinh tế mang lại cho gai đình trên 700 triệu đồng. Hợp tác xã Thuận Yến - ấp AN Nghĩa – xã An Thới Đông đầu tư mô hình nuôi cá dứa với diện tích 0,5 hecta, lượng giống 0,021 triệu con, thời gian nuôi 12 tháng, sản lượng thu hoạch đạt 16,3 tấn, lợi nhuận 589 triệu đồng.

Từ thực tế tình hình sản xuất của nông dân, thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục khuyến cáo nhân rộng mô hình nuôi thẻ chân trắng thâm canh qua 2 giai đoạn và mô hình nuôi cá dứa thương phẩm trong ao. Đồng thời định hướng phát triển các mô hình sản xuất mới được thực hiện theo chuỗi sản xuất đến tiêu thụ, mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGap, an toàn sinh học nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao gái trị và hiệu quả sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp và thủy sản. Trong đó chú trọng phát triển các đối tượng là sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù của từng địa phương trên địa bàn huyện. tận dụng tốt tiềm năng, lợi thế của từng địa phương, xây dựng và thực hiện các mô hình chuyển giao kỹ thuật thích ứng với điều kiện khí hậu, thị trường, giúp nông dân phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, giảm nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương của mình.

Tuy nhiên, để những mô hình sản xuất mới được thực hiện có hiệu quả và ngày các phòng chuyên môn của huyện, càng nhân rộng, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ cho cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đòi hỏi các đơn vị có liên quan khi xây dựng mô hình cần gắn với thị trường, mối liên kết giữa nhà nông và nhà nước. Điều quan trọng phải lắng nghe ý kiến của người dân, đáp ứng nhu cầu đích thực của người dân, chú ý tính hiệu quả và thiết thực. Bên cạnh đó, địa phương cần tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ cho người dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi cho chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn.

Số lượng lượt xem: 248