title

Chi bộ Đảng Long Thạnh, Đồng hòa, Tân Thạnh lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị trong những năm đầu sau giải phóng (4/1975-10/1977).
Thứ ba, 22/02/2011, 15:25 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Sau 30 năm chiến tranh, cuộc chiến đã để lại những hậu quả hết sức nặng nề trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội mà chi bộ Đảng và nhân dân Long Hòa (Long Thạnh, Đồng Hòa, Tân Thạnh) phải ra sức khắc phục để tổ chức sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, giải quyết những vấn đề cấp bách về an ninh chính trị, trật tự xã hội.

* Tình hình Long Thạnh, Đồng Hòa, Tân Thạnh sau ngày 30/4/1975:

Về đảng và chính quyền:

Ở xã Long Thạnh do Đ/c Nguyễn Văn Tám (Tám Ba Lô) làm Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch UBND Cách mạng xã, Đ/c Nguyễn Thành Trung làm Phó Chủ tịch UBND Cách mạng xã và Đ/c Phạm Văn Hai làm Ủy viên thư ký UBND Cách mạng xã. Chi bộ Long Thạnh có 04 đảng viên.

Ở xã Đồng Hòa do Đ/c Lê Văn Tiết (Ba Tiết) làm Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch UBND Cách mạng xã, Đ/c Lê Văn Hạnh làm Ủy viên thư ký UBND Cách mạng xã. Chi bộ đảng Đồng Hòa sau giải phóng có 05 đảng viên.

Ở xã Tân Thạnh (Đèn Xanh) do Đ/c Nguyễn Văn Lực làm Bí thư chi bộ kiêm Chủ tịch UBND Cách mạng xã, Đ/c Võ Văn Lùng làm Phó Chủ tịch UBND xã và Đ/c Lương Thị Nga làm Ủy viên thư ký UBND Cách mạng xã. Chi bộ đảng có 04 đảng viên.

Về tình hình kinh tế - xã hội:

Chiến tranh đã làm cho tình hình kinh tế của các xã lâm vào tình trạng kiệt quệ, ruộng đất canh tác bị bỏ hoang bởi bom mìn và chất độc hóa học của Mỹ ngụy. Nghề đánh bắt thủy hải sản và diêm nghiệp trong tình trạng kém phát triển và không được đầu tư.

Đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong tình trạng nghèo nàn và lạc hậu. Nạn đói, nạn dốt và dịch bệnh ngày đêm rình rập người dân.

Tóm lại về kinh tế và xã hội của Long Thạnh, Đồng Hòa và Tân Thạnh sau ngày giải phóng đều nằm trong tình trạng thấp kém và ccág biệt khá xa so với các địa phương khác của thành phố.

* Chi bộ đảng Long Thạnh, Đồng Hòa, Tân Thạnh lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trí trong những năm sau giải phóng:

Trong thời gian này, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của HU Duyên Hải và Tỉnh ủy Đồng Nai, chi bộ đảng và chính quyền xax1 xã đã tập trung lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của thời kỳ chuyển tiếp từ chiến tranh chuyển sang hòa bình nên đã tập trung vào những công tác chính sau đây:

Lãnh đạo xây dựng chính quyền và các đoàn thể quần chúng: Dưới sự lãnh đạo của chi bộ đảng các xã, chính quyền cách mạng được củng cố về nhân sự. Các tổ chức quần chúng như Đoàn Thanh niên Cộng sản, Hội Phụ nữ, Mặt trận Tổ quốc… được thành lập.

Lãnh đạo truy quét tàn quân địch và giữ gìn an ninh trật tự: Thực hiện sự chỉ đạo của trên ta đã tổ chức truy quét số tàn binh địch không chịu ra đăng ký trình diện, phát động nhân dân tố giác bọn lính trốn cải tạo, trấn áp các tệ nạn xã hội và giữ gìn trật tự xóm, ấp.

Lãnh đạo cứu đói, tổ chức sản xuất ổn định đời sống nhân dân: Được sự chi viện của huyện về lương thực, xã đã tổ chức các đợt cứu đói cho nhân dân và chăm lo các gia đình chính sách. Chính quyền và các đoàn thể phát động quần chúng khai hoang, phục hóa vườn cũ, đắp bờ bao ngăn mặn bảo vệ mùa màng, đào ao nuôi cá, đắp đập nuôi tôm. Vận động 139 hộ với 839 nhân khẩu đến ấp Hòa Hiệp xây dựng kinh tế mới. Cùng với nhân dân Cần Thạnh, đóng góp hơn 1.000 ngày công và 600 đồng tiền mặt giúp 116 hộ dân chuyển cư về Thạnh Thới (Nay là ấp Hòa Hiệp, xã Long Hòa) để lập nghiệp.

Thành tựu lớn nhất mà các chi bộ đảng giành được trong 02 năm 1975-1976 là đã xây dựng và bảo vệ được chính quyền cách mạng của nhân dân; giữ vững được trật tự xã hội ở xóm, ấp, Cứu đói kịp thời và không để người dân nào chết vì đói, ổn định đời sống nhân dân.

Ngày 15/5/1977, dưới sự lãnh đạo các chi bộ đảng và chính quyền, cử tri các xã đã tích cực tham gia bầu cử HĐND xã khóa I (nhiệm kỳ 1977-1979). Sau bầu cử HĐND các xã đã bầu ra UBND của xã gồm 05 thành viên. Đây là chính quyền đầu tiên do nhân dân bầu ra. Trước đó vào ngày 25/4/1976, cùng với cử tri cả nước, cử tri Long Thạnh, Đồng Hòa và Tân Thạnh đã tham gia cuộc bầu cử Quốc hội thống nhất (khóa VI).

Ngày 01/9/1977, Đảng bộ huyện Duyên Hải tổ chức Đại hội lần thứ I. Đại hội đã đề ra một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện trong hai năm (1977-1979) là:

Nông nghiệp, quy hoạch 15.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chỉ tiêu khai hoang trong hai năm là 596ha, phân chia cụ thể cho từng xã, đề xuất phương án lập nông trường quốc doanh khai hoang 5.000ha, bao đê ngăn mặn đưa sản xuất lên hai vụ. Vụ mùa 1978, phấn đấu sản xuất 5.000ha, năng suất 2 tấn/ha trở lên.

Lâm nghiệp, tổ chức trồng rừng để lấy gỗ, củi và dừa nước lấy lá lợp nhà ở, trồng phi lao chắn gió ven biển… chỉ tiêu toàn huyện trồng 1.000ha, phân bổ cho từng xã theo đặc trung của mỗi xã.

Diêm nghiệp, quy hoạch 1.000ha, trong 02 năm 1978-1979 đưa diện tích sản xuất muối từ 77ha lên vài trăm ha.

Y tế, khám chữa bệnh cho mọi người, phòng chống dịch bệnh, trong đó tăng cường hiệu quả phòng chống sốt rét, dịch tả.

Giáo dục, học sinh được học hết cấp 3.

Đời sống, chăm lo nhà ở cho gian đình chính sách, cán bộ và học hành cho con liệt sĩ.

Trên cơ sở định hướng phát triển kinh tế - xã hội do Đại hội Đại biểu Đảng bộ huyện đề ra trong 02 năm 1978-1979, các chi bộ Long Thạnh, Đồng Hòa, Tân Thạnh đã xây dựng Nghị quyết về nhiệm vụ của chi bộ mình và tổ chức lãnh đạo nhân dân thực hiện.

Nhìn chung, từ sau ngày giải phóng đến tháng 10/1977, dưới sự lãnh đạo của HU, các chi bộ đảng và chính quyền Long Thạnh, Đồng Hòa, Tân Thạnh đã lãnh đạo nhân dân hoàn thành cơ bản được nhiệm vụ chính trị của thời kỳ chuyển tiếp từ cách mạng xã hội chủ nghĩa là thành lập được chính quyền cách mạng, ổn định được đời sống nhân dân, giữ gìn được an ninh chính trị trên địa bàn và bước đầu thực hiện một số nhiệm vụ của công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa.

Những kết quả mà chi bộ, chính quyền và nhân dân Long Thạnh, Đồng Hòa, Tân Thạnh đạt được trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội sau 02 năm giải phóng đã tạo ra những điều kiện cần thiết để bước vào thực hiện nhiệm vụ chính trị mới.

Tra cứu các chữ viết tắt trong bài viết.

Số lượng lượt xem: 325