title

An Thới Đông từ sau Hiệp định Giơnevơ đến phong trào Đồng Khởi (1954 – 1960)
Thứ ba, 28/08/2012, 16:30 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Sau Hiệp định Giơnevơ năm 1954, người dân An Thới Đông bùi ngùi chia tay một số con em tham gia bộ đội địa phương ra Bắc tập kết, số ít còn lại cùng Chi bộ Đảng và quần chúng nhân dân chuẩn bị bắt tay vào cuộc chiến đấu mới với một tâm niệm sẽ gay go, quyết liệt hơn nhiều. Lực lượng nòng cốt của Chi bộ cũng kiên trì bám rừng, bám đất, bám dân để sẵn sàng chuẩn bị cho cuộc đấu tranh mới chắc chắn sẽ cam go ác liệt hơn.

Liền ngay sau ngày hòa bình, chính quyền Ngô Đình Diệm đã chia cắt, phân bố lại ranh giới hành chính ở khu vực rừng Sác Cấn Giờ gây ra nhiều xáo trộn. Hai tổng An Thít và Cần Giờ đang thuộc tỉnh Gia Định được nhập lại thành Quận Cần Giờ thuộc tỉnh Phước Tuy (nhập lại từ hai tỉnh Bà Rịa và Vũng Tàu).

Về phía ta, sau ngày 20-7-1954, sau khi tiễn đưa phần lớn lực lượng vũ trang rừng Sác tập kết ra miền Bắc, đồng bào rừng Sác Cần Giờ nói chung và người dân An Thới Đông nói riêng, dưới sự lãnh đạo của Đảng lại lặng lẽ bước vào cuộc chiến đấu mới đầy gian khổ, hy sinh nhưng cũng hết sức oanh liệt.

Chính quyền Sài Gòn cho củng cố các đồn bót cũ của Pháp ở các xã thuộc Cần Giờ, đưa lính xuống trú đóng và thành lập các đơn vị bảo an, dân vệ ở hầu hết các xã, trong đó có An Thới Đông, tạo thành một hệ thống kềm kẹp chặt chẽ hòng bóp nghẹt nguyện vọng và ý chí thống nhất đất nước của đồng bào rừng Sác Cần Giờ, đồng thời tạo ra một “vùng trắng” như một lá chắn an toàn nhằm bảo vệ mặt Đông Nam Sài Gòn vốn rất hiểm yếu và cực kỳ quan trọng đối với các khu quân sự, bến cảng, kho tàng, đường giao thông huyết mạch từ Thành phố ra Biển Đông. An Thới Đông thuộc một trong hai chi khu vành đai nằm dưới sự chỉ huy của Bộ Chỉ huy Đặc khu rừng Sác đóng tại Cảng nhà Bè. Ngoài ra chúng còn gấp rút chuẩn bị tổ chức và tạo điều kiện để triển khai các cơ sở chính trị phản động trong Thiên chúa giáo tại chỗ nhằm làm chỗ dựa, tạo thành thế bao vây, kềm kẹp nhân dân, đánh phá các cơ sở cách mạng. Điều này lúc đầu đã gây khó khăn không nhỏ cho ta.

Tháng 11-1954, do tình hình thực tế đòi hỏi, một số xã phía Đông - Nam và ven biển Cần Giờ như Cần Thạnh, Long Hòa, Thạnh An được cắt chuyển về chịu sự chỉ đạo của Huyện ủy Vũng Tàu thuộc tỉnh Bà Rịa, còn những xã phía Tây - Bắc Cần Giờ như Bình Khánh, An Thới Đông, Lý Nhơn và Tam Thôn Hiệp chịu sự chỉ đạo của Huyện ủy Nhà Bè thuộc Tỉnh ủy Gia Định. Đồng chí Nguyễn Việt Hồng được tỉnh ủy Gia Định cử làm Bí thư Huyện ủy. Hội nghị Huyện ủy đã triển khai học tập quán triệt tình hình, nhiệm vụ mới, phương châm, phương thức đấu tranh: chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị là chính, học tập 5 bước công tác và khí tiết người cộng sản.

Chính quyền của địch ở địa phương kêu gọi những người vốn ở An Thới Đông hãy quay trở về An Thới Đông với nhiều lời “hứa hẹn tốt đẹp”.

Bước vào năm 1955, khi mà địch ra sức dồn dân, lập ấp, lập khu trù mật để tách dân ra khỏi cách mạng, cô lập lực lượng cách mạng; càn quét liên tục hầu biến rừng Sác An Thới Đông thành “vùng trắng” thì tổ chức của ta gặp nhiều khó khăn, nhiều chi bộ Đảng bị vỡ, phải rút sâu vô rừng chuẩn bị căn cứ, một số ở lại động viên nhân dân đấu tranh chính trị theo chủ trương của Tỉnh ủy Gia Định và Huyện ủy Nhà Bè.

Dưới sự chỉ đạo của Huyện ủy Nhà Bè, Chi bộ xã An Thới Đông được thành lập lại và từng bước củng cố để lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng ở địa phương.

Chi bộ đã kiên trì bám dân, tìm mọi cách đưa người của ta vào hàng ngũ địch để thu thập tin tức và làm công tác binh vận.

Năm 1955 là năm chúng ta gặp nhiều khó khăn, khi mà chính quyền ngô Đình Diệm trong khi tiến hành thanh trừng, tiêu diệt các giáo phái và phe nhóm không ăn cánh như Bình Xuyên, Cao Đài, Hòa Hảo…bằng những cuộc hành quân dài ngày, với vũ khí, bom đạn của cả hai bên đã khiến cho hàng vạn đồng bào rừng Sác, trong đó có An Thới Đông chịu vạ lây, người chết, nhà cháy, ruộng vườn, hoa màu, gia súc bị phá hủy. Liền sau đó chính quyền họ Ngô tập trung mũi nhọn vào tiêu diệt lực lượng và phong trào cách mạng của ta ở Cần Giờ, ở An Thới Đông

Sau một thời gian chấn chỉnh và tổ chức lại, đến năm 1956, lực lượng cách mạng của An Thới Đông được hồi phục từ Chi bộ Đảng, các đoàn thể quần chúng cho tới du kích vũ trang.

Đảng viên Chi bộ An Thới Đông lúc này có 02 đảng viên, sinh hoạt ghép với các đơn vị bạn.

Các hoạt động của Chi bộ được tiến hành theo phương châm bí mật kết hợp với hợp pháp và nửa hợp pháp, quyết bám dân để xây dựng cơ sở, nuôi dưỡng phong trào. Đảng viên trong Chi bộ thường xuyên sinh hoạt tư tưởng nội bộ, chống tư tưởng mơ hồ, hòa bình chung chung dẫn đến chủ quan khinh địch; đồng thời cũng chống tư tưởng nôn nóng, bộc lộ lực lượng quá sớm. Chi bộ cũng thường xuyên sinh hoạt chính trị, học tập về ý nghĩa thắng lợi của Hiệp định Giơnevơ và nhiệm vụ đấu tranh chính trị trước mắt của cách mạng Miền Nam. Theo chỉ đạo của Huyện ủy Chi bộ cũng tập trung phát triển các tổ chức quần chúng như lực lượng “Thanh Lao” (Thanh niên Lao động) và phụ nữ để bám sát và đấu tranh hợp pháp với địch. Đảng viên trong Chi bộ đã vận động nhân dân (thông qua những cơ sở quần chúng cốt cán) để đi sâu vào nắm lực lượng trong đồng bào các tôn giáo. Bước đầu, để phù hợp với tình hình, ta lập ra các tổ chức biến tướng trong bà con lao động như “hội lân”, “hội chài lưới”, “hội đá banh”… để tạo điều kiện gần gũi, giác ngộ quần chúng trong việc đấu tranh chống địch khủng bố, dần dần chuyển sang đấu tranh chống cho vay nặng lãi, chống thuế vì ở đây hầu hết các gia đình nghèo đều bị chủ lưới, chủ vựa lẫn chủ nợ thường cho vay với lãi suất lên tới 10%/ngày. Qua các hội biến tướng, Chi bộ Đảng đã phát động được phong trào đoàn kết, tương trợ giữa đồng bào lương và giáo. Phong trào được Chi bộ dần đẩy lên một mức mới cao hơn, đó là đòi quyền dân sinh, dân chủ, vận động bà con tẩy chay, phá đám các cuộc bầu cử gian lận của chính quyền gia đình trị họ Ngô, chống cái gọi là cải cách diền địa mà thực chất là cướp lại ruộng đất của nông dân được cách mạng cấp cho trong thời kỳ 9 năm. Công tác binh vận cũng được Chi bộ An Thới Đông chú trọng, cài được đảng viên vào hàng ngũ ngụy quyền, nắm dân vệ, vận động họ ngả theo cách mạng. Cũng nhờ nội gián, ta nắm được nhiều âm mưu của địch và vô hiệu hóa chúng từ trong trứng nước.

Phong trào đấu tranh đòi hiệp thương, thống nhất đất nước đang diễn ra sâu rộng thì từ cuối năm 1956, địch khủng bố mạnh, Chi bộ An Thới Đông phải tạm thời bớt các hoạt động bán công khai, đi vào bí mật để bảo vệ lực lượng.

Bước sang năm 1957, đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Đình Diệm không những phá hoại Hiệp định Giơnevơ, không tổ chức tổng tuyển cử, mà còn công khai tập trung mọi lực lượng đánh phá các tổ chức cách mạng của ta ở Miền Nam, trong đó có địa bàn An Thới Đông - Cần Giờ.

Tháng 5-1957, sau khi thanh toán xong các phe phái chống đối, chính quyền họ Ngô tuyên bố “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật” song song với việc hô hào “lấp sông Bến Hải”, “Bắc tiến”. Chúng mở hàng loạt các chiến dịch truy bức, khủng bố dã man, tàn bạo đối với những người kháng chiến cũ bằng nhiều đợt “tố cộng” điên cuồng nhằm buộc những gia đình có người thân đi tập kết phải “ly khai cộng sản” với những thủ đoạn hết sức thâm độc, tàn nhẫn. Song song với “quốc sách tố cộng”, chính quyền họ Ngô còn thực thi hai chính sách lớn: “cải tiến nông thôn” và lập “khu dinh điền, khu trù mật” nhằm kiểm soát, thao túng lực lượng nhân dân, ổn định tình hình vùng nông thôn và những vùng xung yếu, không cho cộng sản có chỗ trú chân. Mảnh đất và người dân An Thới Đông cũng không nằm ngoài đám mây đen khủng khiếp của những chính sách chống cộng và sự truy bức dã man ấy. Giặc càn quét, lùng bắt và khủng bố những đảng viên cộng sản, những quần chúng cốt cán gắn bó với cách mạng khiến cho Chi bộ An Thới Đông bị tổn thất nặng, có đảng viên bị bắt, nhiều cơ sở bị vỡ. Nhiều đảng viên phải chuyển vào cứ, chỉ còn lại một số đảng viên bám dân, bám đất, nhận chỉ thị của Huyện ủy để tổ chức quần chúng đấu tranh chính trị thông qua các hình thức tuyên truyền trong nhân dân về tội ác của Mỹ - Diệm, đấu tranh chống cải cách điền địa, chống lập khu trù mật, vì quyền dân sinh, dân chủ…

Sau chiến dịch “tố cộng” là chiến dịch “diệt cộng” . Cái máy chém – công cụ thực thi đạo luật phát-xít 10/59 tàn bạo của Ngô Đình Diệm – cũng đã lê đến mảnh đất rừng Sác - An Thới Đông - Cần Giờ và máu của nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng trung kiên của An Thới Đông - Cần Giờ đã đổ dưới sức mạnh bạo tàn của cỗ máy phi nhân ấy. Trong hoàn cảnh hết sức bạo liệt ấy, cho dù một số người có dao động, mất tinh thần và chùn bước, song những người cộng sản An Thới Đông được đồng bào yêu thương, đùm bọc che chở và cưu mang, đã kiên trì bám dân, trụ lại để giữ vững phong trào cách mạng, quyết không để kẻ thù chia tách khỏi nhân dân.

Cuối năm 1957, Ban Cán sự Đảng Cần Giờ được thành lập do đồng chí Võ Văn Thiết (Mười Thiết) làm Bí thư để chỉ đạo các tổ chức Đảng và cơ sở cách mạng ở các xã cố gắng bảo toàn lực lượng, rút vào bí mật, đồng thời tăng cường công tác binh vận. Sau đồng chí Mười Thiết là đồng chí Ba Mét (Ba Xanh, Tư Tỵ) tiếp tục là Bí thư Ban Cán sự chỉ đạo đẩy mạnh công tác binhvận, chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang. Cũng như ở nhiều xã khác, công tác binh vận ở An Thới Đông cũng được tiến hành có kết quả tốt.

Để chuẩn bị cho phong trào đấu tranh chính trị kết hợp với vũ trang, cấp trên cho rút lực lượng “Thanh Lao” ở các xã về cứ, chuẩn bị thành lập lực lượng vũ trang của Cần Giờ.

Đến năm 1958, dân cư vốn người An Thới Đông chạy đi sống ở Cần Giuộc, Tân An, Gò Công, Bến Tre…lần lượt trở về An Thới Đông sinh sống, khai phá thêm đất đai để làm ruộng, cấy lúa. Cũng trong năm này, Chi khu Hoàng Diệu của địch vốn đóng tại Tam Thôn Hiệp chuyển về đóng tại Doi Lầu với ý đồ đàn áp lực lượng cách mạng và những thế lực chống đối chính quyền Diệm như Cao Đài, Hoà Hảo.

Cuối năm 1958, đầu năm 1959, chính quyền Sài Gòn chuyển khu rừng Sác Cần Giờ từ tỉnh Biên Hòa về tỉnh Phước Tuy, lập tại khu rừng Sác một quận mới là Quận Quảng Xuyên. Cùng với Bình Khánh, Tam Thôn Hiệp, Lý Nhơn, An Thới Đông nằm trong địa bàn của quận mới này. Quận lỵ đóng ngay ở An Thới Đông (ngày nay là trụ sở UBND xã). An Thới Đông lúc đó có diện tích 122,7 km2, dân số 4.685 người. Việc phân chia xé lẻ đó của ngụy quyền không ảnh hưởng tới việc Chi bộ An Thới Đông vẫn trực thuộc Huyện ủy Nhà Bè.

Từ nửa đầu năm 1959, sau chiến thắng bất ngờ của du kích ở Bình Khánh đột nhập chớp nhoáng vào trung tâm xã bắn chết một ác ôn khét tiếng tên là Tư, tại An Thới Đông cũng như tại Lý Nhơn, Long Hòa đã thành lập các đơn vị du kích vũ trang bên cạnh lực lượng vũ trang tập trung từ lực lượng “Thanh Lao” của Cần Giờ. Lực lượng du kích của An Thới Đông lúc đó có 30 người, trang bị vũ khí tự tạo và được chia làm 3 tổ để hoạt động: Một tổ đóng ở Doi Lầu do đồng chí Hồ Văn Đáng (Ba Đáng) chỉ huy; một tổ đóng tại An Bình - An Hoà do đồng chí Năm Tính - Tiểu đội phó chỉ huy; một tổ nữa đóng tại An Nghĩa.

Vì lực lượng còn ít nên các tổ chia nhỏ và sống dựa vào dân. Chủ yếu đánh những tốp lính nhỏ, đi lẻ, cướp vũ khí của chúng để trang bị cho mình. Đội vũ trang này của xã hoạt động bí mật, chiếm giữ các đầu sông để tiện liên lạc với căn cứ, nhận tiếp tế và nắm tình hình địch.

Cuối năm 1959 , dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 với nội dung cơ bản của con đường cách mạng Miền Nam là dùng đấu tranh vũ trang giành lại chính quyền, tại các tỉnh Nam Bộ, đã ra đời nhiều đơn vị vũ trang sẵn sàng “diệt ác , phá kềm”, giành lại chính quyền từ tay đế quốc và bọn tay sai bán nước.

Tại rừng Sác Cần Giờ, thời gian này đã ra đời “Đại đội vũ trang nhân dân tự vệ 306”do đồng chí Sáu Dẫu và Ba Hoàng chỉ huy.

Đến cuối năm 1959, lực lượng cách mạng ở An Thới Đông hồi phục hoàn toàn, từ Chi bộ Đảng, các đoàn thể quần chúng cho đến du kích có vũ trang.

Lực lượng du kích vũ trang của An Thới Đông được phát triển từ lực lượng tại chỗ nên thông thạo địa hình, am hiểu tình hình, rất thuận lợi cho hoạt động chiến đấu tự vệ, hổ trợ cho đấu tranh chính trị. Phong trào cách mạng ở An Thới Đông phát triển mạnh hơn vào năm 1960. Hoạt động vũ trang đã góp phần đáng kể vào phong trào chung của huyện và tạo thành thế bao vây địch ở vùng này, chuẩn bị cho cơn bão táp cách mạng đang sắp trào dâng.

Cũng từ năm 1960, chính quyền họ Ngô tăng cường bộ máy hành chính của quận Quảng Xuyên. Quận lỵ trên đất An Thới Đông được xây dựng kiên cố hơn với 4 lô cốt và hàng rào kẽm gai bao bọc xung quanh. Song song với việc củng cố quận lỵ, ngụy quyền ra sức mỵ dân để lập ấp chiến lược nhằm tập trung dân lại để dễ bề kiểm soát, cai trị, tách dân ra khỏi lực lượng cách mạng. Chúng đã lập được 2 ấp chiến lược ở An Bình và An Hoà. Chúng còn tăng cường kiểm soát gắt gao để ngăn chặn nhân dân các ấp tiếp tế cho cán bộ cách mạng ở trong căn cứ.

Đối với Cần Giờ nói chung và An Thới Đông nói riêng, sự kiện thành lập Khu ủy Sài Gòn – Gia Định đầu năm 1960 trên cơ sở sáp nhập 2 Đảng bộ Sài Gòn – Chợ Lớn và Đảng bộ Gia Định đã tạo khí thế mới cho phong trào hành động cách mạng của quần chúng.

Năm 1960, cách mạng Miền Nam chuyển sang giai đoạn mới, đánh dấu bằng phong trào Đồng khởi và sự ra đời của Mặt trận DTGPMNVN. Làn sóng và khí thế cách mạng của không khí Đồng khởi bay về miền rừng Sác và lan tỏa nhanh chóng đến An Thới Đông. Sau chiến công của nhân dân Bình Khánh dưới sự lãnh đạo của Chi bộ Đảng với gậy tầm vông và giáo mác đã nổi dậy bắt những tên ác ôn có nợ máu với nhân dân phải đền tội vào tháng 8-1960 thì sau đó, vào cuối năm 1960, cũng dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng An Thới Đông, lực lượng du kích xã đã kéo đến bao vây đốt trụ sở hành chính xã của ngụy quyền, trừng trị một số ác ôn có nợ máu và thu nhiều tài liệu, vật dụng, vũ khí để trang bị cho mình. Địch phải thừa nhận: “Vào cuối năm 1960, toàn bộ vùng nông thôn Nam phần và Tây - Nam Sài Gòn, một số vùng phía Bắc Sài Gòn bị cộng sản kiểm soát quá một nửa và bao vây Sài Gòn”.

Cũng trong năm 1960, thấy không thể nhanh chóng dập tắt ngọn lửa cách mạng ở Miền Nam như ý muốn, đế quốc Mỹ và tay sai đã phải chuyển hướng chiến lược từ “tố cộng, diệt cộng” sang “chiến tranh đặc biệt” (còn gọi là “chiến tranh lật đổ” trong khuôn khổ chiến lược “phản ứng linh hoạt” hòng chống lại chiến tranh du kích đang phát triển mạnh mẽ của ta) với công thức quân ngụy cộng với vũ khí và đôla Mỹ đặt dưới sự chỉ huy của các cố vấn Mỹ.

Để thực thi chiến lược trên, Mỹ - Diệm chủ trương bình định hóa nông thôn lấy việc gom dân lập ấp chiến lược làm quốc sách. Âm mưu nham hiểm của cái gọi là “Ấp chiến lược” là nhằm tách dân ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng và biến mỗi ấp dân thành một “pháo đài chống cộng”.

Chi bộ Đảng và nhân dân An Thới Đông lại đứng trước một thử thách mới, cam go, ác liệt hơn nhiều, khi mà lực lượng vũ trang của xã phải đối đầu với bộ máy chính quyền địch ở xã và cả đội quân của quận lỵ Quảng Xuyên đóng ở đây.

Tra cứu các chữ viết tắt trong bài viết.

Số lượng lượt xem: 477