title

An Thới Đông thử lửa qua các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ (1960 – 1973)
Thứ ba, 28/08/2012, 16:30 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Để cụ thể hóa chiến lược “chiến tranh đặc biệt”, một kế hoạch mang tên Satlây – Taylo ra đời ở Nam Việt Nam với mục tiêu giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng (từ giữa 1961 đến cuối 1962), trong đó phần cốt lõi là phải lập cho được 16.000 ấp chiến lược.

Ngày 18-10-1961, chính quyền Ngô Đình Diệm tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” vô thời hạn trên toàn Miền Nam.

Để bảo vệ quân cảng và khu vực Tây-Nam Sài Gòn, bảo vệ tuyến đường thủy chiến lược tử cửa biển Cần Giờ vào Nhà Bè, năm 1962, địch thành lập Bộ Chỉ huy “Biệt khu rừng Sác” (mà từ năm 1963 gọi là “Đặc khu rừng Sác”).

Tại các xã ở Cần Giờ, chính quyền Diệm nhanh chóng cho lực lượng quân sự chiếm đóng hẳn từng xã, các sĩ quan chỉ huy trực tiếp đứng đầu cơ quan hành chánh. Địch tổ chức tất cả các ấp trong xã thành các “ấp chiến lược”, hợp thành một đơn vị tự chủ về an ninh, chính trị, kinh tế và xã hội. Những xã có tất cả các ấp đều được tổ chức thành “ấp chiến lược” thì được mệnh danh là “xã tự vệ” hay “xã chiến lược”. Địch coi đây là “chương trình xương sống” trong việc tách dân ra khỏi ảnh hưởng của cách mạng như tác cá ra khỏi nước vậy. Quả thực mưu đồ này đã gây cho phong trào cách mạng không ít khó khăn. Chúng còn tổ chức do thám hóa bộ máy kềm kẹp trong các ấp chiến lược. Tất cả tề ấp, tề xã, ban trị sự, hội đồng ấp chiến lược, thanh niên, thanh nữ cộng hòa… đều có nhiệm vụ làm tình báo, đều được huấn luyện về tình báo để theo dõi và kịp thời phát hiện lực lượng cơ sở của ta trong ấp chiến lược. Đối với quần chúng nhân dân, ngoài bộ máy kềm kẹp, chúng còn dùng thủ đoạn mua chuộc, dụ dỗ, dọa nạt, cưỡng ép buộc phải làm do thám cho chúng, nhất là đối với chị em phụ nữ. Không những chúng dò la tìm cơ sở của ta trong ấp chiến lược, con mắt cú vọ của chúng còn dòm ngó tới những vùng cát trắng, vườn hoang, đồng sâu, rừng rậm… để phát hiện dấu vế của căn cứ du kích mà chỉ điểm cho lính mang quân đi càn quét, đánh phá. Ngoài ra, chúng còn tìm cách bí mật gài người chui vào nội bộ của ta để thu thập tin tức hòng kịp thời đối phó với những chủ trương của ta. Tóm lại là kế hoạch của chúng cũng hết sức tinh vi, nham hiểm và không phải không có hiệu quả, gây cho ta những khó khăn, tổn thất không phải nhỏ.

Khu ủy Sài Gòn – Gia Định ra đời vào thời điểm này chính là để đối phó với âm mưu đó của kẻ thù.

Theo tinh thần Chỉ thị của Trung ương Cục về việc: “tiếp tục diệt ác, phá kềm; tác chiến kết hợp với binh vận; phát động quần chúng, xây dựng chính quyền, tổ chức cơ sở cách mạng và phát triển thực lực”, ngày 20-8-1961, Khu ủy Sài Gòn – Gia Định họp Hội nghị bàn về tổ chức và quyết định chia địa bàn Sài Gòn – Gia Định thành 3 vùng: vùng căn cứ giải phóng; vùng tranh chấp ven đô và vùng nội thành để mỗi vùng có phương châm, hình thức và nội dung đấu tranh thích hợp. Một số xã của vùng rừng Sác Cần Giờ, trong đó có An Thới Đông thuộc vùng tranh chấp ven đô, thuộc sự chỉ đạo của Bộ phận Nông thôn của Khu ủy Sài Gòn – Gia Định.

Cuối năm 1961, Ban Cán sự Đảng Cần Giờ được kiện toàn và củng cố với nhiệm vụ tập trung lãnh đạo phát triển lực lượng du kích xã, các đoàn thể quần chúng, lãnh đạo đồng bào hưởng ứng phong trào chống địch bắt lính, dồn dân vào ấp chiến lược, tiếp tục đẩy mạnh công tác binh vận, làm suy yếu hàng ngũ địch, vận động đồng bào có con em theo cách mạng và quần chúng yêu nước khác làm hậu phương, tiếp tế lương thực, quần áo, thuốc men để nuôi quân đánh giặc.

Cũng như ở nhiều xã tại Cần Giờ, địch đưa thêm về An Thới Đông 2 trung đội bảo an có vũ trang rất mạnh thay vì 1 trung đội như trước ngày Đồng khởi. Cuộc đấu tranh ngày càng trở nên quyết liệt vì địch vừa khôi phục lại hệ thống chính quyền quân sự vừa tiến hành dồn dân vào các “ấp chiến lược” và tiến hành “phân loại dân”. Với những gia đình có người thân đi tập kết hoặc đi theo lực lượng cách mạng thì chúng gom lại cho ở riêng một chỗ đễ dễ bề o ép, kiểm soát, và cũng là đối tượng để chúng trút giận mỗi khi ấp chiến lược của chúng bị quân ta quấy phá. Tuy nhiên, nhờ công tác binh vận, các cơ sở binh vận đã hướng dẫn bà con kiên trì, khôn khéo đấu tranh với ấp trưởng, xã trưởng cùng bọn chỉ huy bảo an, dân vệ để chúng không còn tích cực càn bắt số gia đình này vô “khu cách ly” nữa.

Tháng 4-1962, Hội nghị Thường vụ Khu ủy Sài Gòn – Gia Định chủ trương quyết tâm bám dân, bám đất, kết hợp 3 mũi giáp công, kết hợp trong và ngoài để phá ấp chiến lược, coi đó là nhiệm vụ vừa cấp bách vừa lâu dài, phải chấp nhận giằng co quyết liệt với địch. Hội nghị phát động phong trào “mang nắp hầm vào ấp chiến lược” để bám dân, dựa vào dân, tranh thủ phân hóa tề ngụy, cài lực lượng của ta vào các tổ chức dân vệ, phát triển tự vệ ngầm, du kích mật, làm tê liệt tai mắt của địch, tạo và giữ vững mối liên hệ giữa trong và ngoài ấp, phối hợp với lực lượng chính trị và vũ trang từ bên ngoài vào, tạo điều kiện cho đồng bào bên trong nổi dậy phá ấp chiến lược.

Từ năm 1961 đến 1963, địch ráo riết tiến hành “bình định xã An Thới Đông” thực hiện chính sách dồn dân, lập ấp chiến lược. Tại đây, chúng bắt nhân dân đắp lũy làm khu ấp chiến lược rộng 200 mét, dài 600 mét, có 7 lớp rào kẽm gai có gài mìn, chung quanh có 4 tua gác và thành lập ở đây phân chi khu quân sự. Trong ấp chiến lược này chúng cho xây nhà nhiều dãy và gom vào đó 250 hộ gia đình với gần 2.500 người dân. Lực lượng chiếm đóng của địch có lúc lên tới 1 đại đội bảo an, 2 trung đội dân vệ và khoảng 60 - 70 “nhân dân tự vệ”.

Trước tình hình đó, các đồng chí đảng viên trong Chi bộ ở ngoài cứ thường xuyên giữ mối liên hệ mật thiết với đồng bào trong “ấp chiến lược” và những đảng viên của Chi bộ đang bám đất, bám dân hoạt động bí mật tại chỗ.

Đồng bào ta trong “ấp chiến lược” được các đảng viên và cơ sở bí mật vận động, hướng dẫn cách đấu tranh trực diện với địch, đã nhiều lần kéo lên chất vấn ấp trưởng, xã trưởng, chỉ huy bảo an, dân vệ về việc tự tiện xả súng bắn vào “khu cách ly” gây thiệt hại về người và của cho bà con. Đồng bào nói thẳng vào mặt chúng: “Nếu các ông biểu gia đình tôi chứa chấp, làm chỗ dựa cho Việt cộng trở về quấy phá thì thử kiếm đi, hoặc ra rừng tìm họ mà đánh nhau, sao hễ cứ nổ súng ở đâu là lại nhằm vào nhà dân mà bắn?”. Cứ như vậy, bằng lý lẽ, thực tế và kiên trì, sau nhiều lần đấu tranh, bọn địch buộc phải bỏ cái trò vô cớ bắn vô “khu cách ly”.

Tình hình giằng co gay go và quyết liệt. Bọn địch vừa khủng bố, răn đe vừa tìm cách đánh trả mũi binh vận của ta. Chúng cũng tìm cách gài người của chúng vào cơ sở của ta để dò la tin tức và cũng gây thiệt hại cho ta không nhỏ. Chúng thực hiện chiến thuật “bừa răng rụng”, vừa đi càn vừa để lại lực lượng phục kích bắt cán bộ ta đi công tác hoặc tiếp vận. Một số đồng chi bị bắt và bị sát hại, công tác binh vận có ảnh hưởng ít nhiều, đã chựng lại. Song không vì vậy mà phong trào chung bị chùng xuống; Chi bộ Đảng được củng cố, lực lượng du kích vẫn phát triển, ngoài vũ khí tự tạo, còn có thêm nhiều vũ khí thu được của địch để trang bị cho mình. Phong trào đấu tranh chính trị tuy không diễn ra rầm rộ, song vẫn âm ỉ thông qua các cuộc tập hợp đấu tranh trực diện với địch, đưa yêu cầu, kiến nghị, tố cáo tội ác của chúng. Sự ra đời của Hội phụ nữ Cần Giờ vào cuối 1961 đầu 1962 cũng có tác động rất lớn đến phong trào phụ nữ của An Thới Đông.

Mỹ - Diệm ý thức được sức mạnh đang ngày càng lên cao của cách mạng Miền Nam, chúng càng điên cuồng đánh phá càng nếm nhiều thất bại, nhất là sau trận Ấp Bắc (1-1963) khiến cho chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận” trong “chiến tranh đặc biệt” của chúng bị phá sản, cho nên chúng càng phải xúc tiến khôi phục, củng cố các “ấp chiến lược”. Cố vấn Mỹ đã mò xuống cả các vùng sâu, vùng xa của Cần Giờ như An Thới Đông để đích thân kiểm tra, chỉ huy đốc thúc xây dựng và củng cố “ấp chiến lược”. Chúng còn đổi tên “Biệt khu Rừng Sác” thành “Đặc khu Rừng Sác” vào năm 1963 và tăng cường hệ thống bố phòng ở khu vực Cần Giờ với những phương tiện kỹ thuật tiên tiến, lực lượng quân sự hùng hậu cả về quân số, vũ khí và tàu chiến. Tăng cường quân số để giữ cho bằng được các “ấp chiến lược”, quét các “lõm du kích”, tăng cường càn quét, khủng bố, dựng lại các tua bót, đặc biệt là các đầu mối giao đường thông thủy.

Năm 1963, quận trưởng đầu tiên ở Quảng Xuyên là viên thiếu tá Nguyễn Hải Đàn giở trò muốn thử lòng người dân trong xã An Thới Đông nơi hắn đóng quận lỵ. Y cho một trung đội lính ngụy đóng giả quân giải phóng tấn công vào quận lỵ: cho đốt lửa bên trong và nổ súng khắp nơi đồng thời bắc loa kêu gọi nhân dân trong xã hưởng ứng tiêu diệt địch. Chúng loan tin quận lỵ đã được giải phóng, quận trưởng Nguyễn Hải Đàn đã bị bắt…Vốn đang căm thù giặc, nhân dân ta tưởng thật đã rùng rùng đốt đuốc kéo vô quận lỵ đòi trừng trị tên quận trưởng và quân lính của y. Chờ cho nhân dân kéo vào thật đông, bất thình lình chúng bật điện sáng trưng, dân ta sửng sốt khi thấy xung quanh toàn là lính ngụy súng ống lăm lăm trong tay. Biết là bị lừa thì đã muộn. Những người hăng hái nhất đã bị bắt, bị tra tấn, giam giữ trong nhiều ngày. Một bài học đắt giá cho bà con trước thủ đoạn thâm hiểm của địch. Song không vì vậy mà phong trào đấu tranh du kích ở An Thới Đông bị ảnh hưởng.

Về phía ta, ngay từ năm 1962, Trung ương Cục nhận thấy Cần Giờ là một địa bàn chiến lược hiểm trở, có mạng lưới rừng sình lầy và sông rạch chằng chịt, có phong trào cách mạng mạnh mẽ, ơ sở quần chúng vững chắc, chưa bao giờ để địch nắm được thế áp đảo nên Trung ương Cục đã chọn nơi đây làm một trong những căn cứ tiếp nhận và vận chuyển hàng chiến lược từ Bắc vô Nam.

Theo yêu cầu của chiến trường, tháng 2 năm 1964, Bộ Chỉ huy Miền Đông Nam Bộ đã thành lập một đơn vị lấy tên là K.10 để trực tiếp tiếp nhận hàng từ Trung ương gửi vào rừng Sác. Sau này

Tra cứu các chữ viết tắt trong bài viết.

Số lượng lượt xem: 1388