title

Cần Giờ (Duyên Hải cũ) cách đây 35 năm
Thứ hai, 25/02/2013, 03:39 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Xin được trở lại với cái tên cũ là Duyên Hải trong bài viết này, để nhớ cái thời gian khó của cuộc kháng chiến chống thực dân Mỹ cứu nước nơi vùng đất sình lầy ngập mặn này, và cũng để nhớ những tháng ngày xây dựng huyện biển xa xôi của TP.HCM.

Ngày đó cách đây gần 35 năm, sắc trời bàng bạc, nắng oi oi của những ngày cận Tết và gió chướng thổi bừng bừng. Cán bộ và nhân dân Duyên Hải râm ran nói về cái tin huyện nhà sẽ cắt từ tỉnh Đồng Nai để chuyển về TP.HCM. Lúc bấy giờ cái trên TP.HCM cũng còn lạ lẫm, khó hình dung và không dễ nhớ như hai chữ Sài Gòn. Điều suy nghĩ của mọi người đúng là sự thật: trong phiên họp ngày 12/01/1978 của Thường vụ Hội đồng Chính phủ do Thủ tướng Phạm Văn Đồng chủ toạ đã quyết định sáp nhập huyện Duyên Hải thuộc tình Đồng Nai về TP.HCM. Hồi đó thông tin còn hạn hẹp, chưa ai biết ngay, nhưng cũng đã thấy nhiều đoàn cán bộ đi đò từ thành phố xuống Duyên Hải, hoặc đi xe xuống Vũng Tàu rồi đi đò qua. Cả huyện lỵ có mấy khúc đường nên bà con nhận biết ngay đó là cán bộ của Sài Gòn. Đi tiên phong khảo sát nắm tình hình là các cán bộ của Sở Lao động, Sở Tài chánh, Ngân hàng thành phố, Sở Bưu điện, Sở Giáo dục, Uỷ ban Kế hoạch thành phố, Ban tổ chức chánh quyền, Ty lâm nghiệp, Ban chỉ đạo phân vùng quy hoạch, Sở thuỷ lợi, Viên quy hoạch, Ban chấp hành Nông hội thành phố v.v…Ngày 21/02/1978 đã diễn ra cuộc họp bản giao của hai đoàn đại biểu Tỉnh uỷ, UBND Tỉnh Đồng Nai và Thành uỷ, UBND TP.HCM. Sau cuộc họp trên, trong 2 ngày 27 và 28/2/1978, đồng chí Nguyễn Thành Thơ, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá IV- Phó Bí thư Thành uỷ kiêm Phó Chủ tịch TT UBND Thành phố đã dẫn đầu đoàn đại biểu 31 người, đại diện cho tất cả các sở ngành thành phớ đi đò xuống Duyên Hải nhận bàn giao cụ thể từng mặt công tác tại huyện với sự có mặt của đoàn đại biểu Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Đồng Nai và lãnh đạo huyện Duyên Hải đương nhiệm lúc bấy giờ là các đồng chí Trần Văn Cường, Đoàn Thành Chung, Đoàn Thanh Xuân, Đoàn Lê hoàng, Lê Văn Tiết.

 
Khi bàn giao, Tỉnh uỷ và UBND Tỉnh Đồng Nai xã xin được để lại trên 3.000 ha khu vực sông Gò Gia đến ngã ba sông Cái Mép và ngược theo sông Thị Vải. Như vậy diện tích huyện Duyên Hải được bàn giao cho thành phố ước khoảng 66.800 ha, trong đó đất trồng lúa khoảng 4.239 ha, đất trồng rừng và rừng khoảng 62.570 ha; ngoài ra còn có trên 17.000 ha ven biển và mặt nước sông. Tổng cộng khoảng trên 83.000 ha. Về dân số, lúc đó toàn huyện Duyên Hải có 5.457 hộ dân với 32.909 nhân khẩu.
Cũng trong thời gian bàn giao trên, toàn huyện mới có 365 hồ sơ liệt sĩ và 46 trường hợp thương binh được tỉnh Đồng Nai xét công nhận. Về bộ máy, Duyên Hải vào tháng 2/1978 có 833 cán bộ huyện - xã, 124 đảng viên chia thành 15 chi bộ cơ quan và 4 chi bộ xã (3 xã còn lại chưa thành lập được chi bộ là Tân An 1 đảng viên, An Thới Đông và Tam Thôn Hiệp mỗi xã 2 đảng viên). Trong 833 cán bộ huyện xã có 504 cán bộ và chiến sĩ cấp huyện, 329 cán bộ và chiến sĩ cấp xã - trong đó có 31 cán bộ biệt phái của huyện.

 
Đáng chú ý là hiện trạng lúc bàn giao như sau: Toàn huyện có 1 văn phòng UBND và 26 phòng ban nhưng chưa có Ban Tổ chức Chính quyền, Thanh tra, Quản lý nhà đất và Phòng thuế. Có 1 bệnh xá 34 giường, 1 tổ phòng dịch và 7 trạm y tế với 2 y sĩ, còn lại là y tá. Có 8 trường cấp 1, 2 trường cấp 2, 4 trường mẫu giáo với 137 giáo viên, số học sinh hiện ra lớp lúc bấy giờ là 5.392 em. Có 5 cửa hàng gồm: dược phẩm, bách hoá, vật tư, điện máy và hải sản. Về đoàn thể có 6.438 hội viên phụ nữ, 270 đoàn viên TNCS Hồ Chí Minh, 3 cán bộ nông hội, không có tổ chức Công đoàn. Về nông nghiệp có 4.050 ha lúa, sản lượng 9.700 tấn. Về ngư nghiệp có 696 ghe, thuyền; 520 khẩu đáy sông cầu; 43 khẩu đáy rạo, 600 đập đìa; sản lượng thuỷ sản 6.500 tấn mỗi năm.Về lâm nghiệp có 12.000 ha rừng đước, xú, vẹt, phân bố thưa thớt. Có 120 ha diện tích sản xuất muối, sản lượng 7.200 tấn muối hạt. Về giao thông vận tải có 17 ghe tải, 1.477 ghe thuyền nhỏ, 5 xe lam chở khách, có 14 km đường ven biển nối Cần Thạnh - Đồng Hoà và 2,5 km đường nhỏ tại huyện lỵ.
Từ một số hiện trạng nêu trên, các cán bộ thành phố và tỉnh Đồng nai cũng nhận thấy huyện Duyên Hải vì là vùng sâu, vùng xa nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn; chỉ có TP.HCM vì gần gũi và thuận lợi hơn mới có khả năng giải quyết khắc phục và đầu tư xây dựng Duyên Hải đi lên nhanh chóng. Đặc biệt khi cả hai đoàn bàn giao - nhận lãnh của tỉnh Đồng Nai và TP.HCM còn thấy rõ quyết tâm của cán bộ huyện -xã đương nhiệm lúc bấy giờ để tổ chức và xây dựng bộ máy chính quyền non trẻ trên vùng đất khắc nghiệt, thiếu nước ngọt lại vốn là trọng điểm đánh phá của địch khi xưa.

 
Sau cuộc họp bàn giao và nhận lãnh, đại diện các sở - ban - ngành - đoàn thể thành phố đã thống nhất đề ra 16 mặt công tác lớn và trọng tâm. Ngày 17/03/1978, TT UBND Thành phố đã họp và quyết định thành lập Ban chỉ đạo của Đoàn phân vùng quy hoạch kinh tế huyện Duyên Hải, trong đó yêu cầu dự kiến quy hoạch cả về giao thông vận tải đường thuỷ, đường bộ. Cũng trong cuộc họp này, nhiều ý kiến đã đề cập đến việc: “làm đường bộ nối liền thành phố đến Duyên Hải - Cần Giờ cần khảo sát kỹ vì có nhiều sông lớn…” như gợi ý của đồng chí Võ Văn Kiệt - Uỷ viên Bộ Chính trị - Bí thư Thành uỷ lúc bấy giờ.
Cách đây 35 năm, việc sáp nhập Duyên Hải về TP.HCM không gây được sự chú ý đáng kể trong nhân dân các xã, trừ ra đối với một bộ phận cán bộ vì lý do biến động về mặt tổ chức, có lẽ do thông tin chưa liền lạc được như bây giờ. Một bộ phân cán bộ viên chức khác thì nao nao phấn khởi, họ chờ đợi xem từ sự tác động và đầu tư của thành phố, huyện Duyên Hải có bớt được khó khăn về đời sống hay không? Ngay từ đầu tháng 3/1978, cán bộ, viên chức huyện nhận lương từ thành phố đẫ thấy tăng thêm 6 đồng phụ cấp chênh lệch và 25% + 10% phụ cấp vùng Duyên Hải. (Ở thời điểm đó, xây dựng trường cấp 1 tốn có 9.200 đồng, xây dựng nhà ở cho cán bộ - viên chức chỉ tốn 15.000 đồng, xây dựng bệnh viên 100 giường tốn 100.000 đồng). Sau đó Sở Bưu điện thành phố lắp đặt ngay tổng đài điện thoại 50 số. Thành phố trang bị máy phát điện thay thế máy cũ của huyện để phục vụ thắp sáng mỗi tối, đồng thời đưa xuống phục vụ ngay một xà lan vận tải nước ngọt…
Đất lành chim đậu! Hưởng ứng lời kêu gọi của thành phố và huyện, cũng như nhiệt tình đóng góp và việc xây dựng huyện biển của thành phố, hàng năm hàng ngàn lượt cán bộ, chiến sĩ LLVT đã về công tác tại nơi này. Biết bao người đã trưởng thành, vững chãi, lớn lên cùng sự phát triển của vùng đầy khó khăn ngày nào.
Cần Giờ cách đây 35 năm - khi còn là Duyên Hải - kể ra cũng khó hình dung đối với lớp trẻ bây giờ khi mà nhịp sống vẫn đang cuồn cuộn và khi Cần Giờ đã, đang chuyển mình từng bước tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá những ngành kinh tế chủ yếu của mình. Nếu có nhớ lại, cũng để tự hào rằng chúng ta đã dũng cảm vượt qua biết bao là khó khăn và đã nhanh chân đi vào thế kỷ 21 với nhiều niềm tin vào những mùa xuân đổi mới và hy vọng, kể cả mùa xuân này - mùa xuân đánh dấu 35 năm Cần Giờ - Duyên Hải sáp nhập vào TP.HCM.
BL
Số lượng lượt xem: 1842
Tin đã đưa