title

Chương trình cà phê OCOP Cần Giờ lần 2 - Chủ đề "Xây dựng thương hiệu Yến sào Cần Giờ"
Thứ bảy, 09/09/2023, 09:38 SA
Cỡ chữ Màu chữ image

Sáng ngày 09/9, UBND huyện Cần Giờ đã tổ chức Chương trình cà phê OCOP Cần Giờ lần 2 - Chủ đề "Xây dựng thương hiệu Yến sào Cần Giờ".

Tham dự có ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện; ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công thương TPHCM; ông Võ Hưng Sơn, Trưởng Phòng Quản lý Khoa học công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM; đại diện lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Thành phố; lãnh đạo Hội Nông dân huyện; Phòng Y tế; Phòng Nội vụ; Phòng Kinh tế; Phòng Quản lý đô thị; Phòng Văn hóa và Thông tin; Phòng Tài nguyên và Môi trường; Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thông;  Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn; Hội Doanh nghiệp huyện và các chủ thể hoạt động trong ngành yến.

Toàn huyện Cần Giờ hiện có 519 căn nhà nuôi chim yến lấy tổ. Hàng năm, cho thu hoạch từ 13 - 14 tấn tổ yến và đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận Yến sào Cần Giờ vào năm 2019; có 44 cơ sở sơ chế và chế biến tổ yến, trong đó 39 cơ sở sơ chế, 05 cơ sở chế biến sâu, 04 đơn vị đủ điều kiện và được huyện cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Yến Sào Cần Giờ. Hiện có 12 sản phẩm của 04 chủ thể được chứng nhận OCOP 4 sao và 02 sản phẩm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Thành phố. Hàng năm, nghề yến huyện Cần Giờ mang lại giá trị khoảng 300 tỷ đồng góp phần tăng trưởng cho ngành nông nghiệp và tiểu thủ công nghiệp huyện.

Tuy nhiên, hoạt động dẫn dụ nuôi và sản xuất chế biến tổ yến trên địa bàn huyện còn riêng lẻ; chất lượng không đồng đều, chưa có nghiên cứu sâu để nâng cao chất lượng tổ yến; có một số mẫu mã sản phẩm bị đánh giá đơn điệu, chưa tương xứng với giá trị sản phẩm; chưa khai thác hết giá trị sử dụng của tổ yến và chưa có giải pháp hiệu quả để bảo vệ nhãn hiệu chứng nhận “Yến Sào Cần Giờ”.

 

 

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện phát biểu tại Chương trình

Ông Nguyễn Văn Hồng, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cho biết, nghề nuôi yến Cần Giờ thời gian qua rất được sự quan tâm của thành phố và các sở ngành. Tiêu biểu là Thành phố đã chỉ đạo xây dựng thương hiệu cho Yến Sào Cần Giờ.

Với tinh thần năng động, sáng tạo cùng với các sở, ngành thành phố xây dựng thương hiệu Yến Sào Cần Giờ, đồng chí Chủ tịch UBND huyện mong muốn tại Chương trình cà phê OCOP Cần Giờ lần 2 - Chủ đề "Xây dựng thương hiệu Yến sào Cần Giờ" sẽ được các chuyên gia, đại diện sở ngành thành phố, các đơn vị huyện, đặc biệt là các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh, hộ nuôi yến trên địa bàn huyện tìm ra giải pháp nâng cao, ổn định chất lượng tổ yến; nâng cao chất lượng sản phẩm chế biến từ tổ yến, tạo tình cảm yêu thương của khách hàng đối với sản phẩm Yến Sào Cần Giờ. Đặc biệt, cải tạo mẫu mà, bao bì tương xứng với giá trị Yến Sào Cần Giờ góp phần phát triển nguồn nguyên liệu tổ yến; quảng bá, xúc tiến thương mại sản phẩm yến; hình thành tổ chức nghề yến làm đầu tàu dẫn dắt nghề yến phát triển trong thời gian tới.

 

 

Quang cảnh Chương trình

Chương trình “Cà phê OCOP Cần Giờ” Lần 2 - Chủ đề “Xây dựng thương hiệu Yến sào Cần Giờ” đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp sát với tình hình thực tế tại địa phương. Theo các chuyên gia, nghề nuôi chim yến là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Huyện Cần Giờ là vùng đất có nhiều tiềm năng để phát triển nghề này nhờ nguồn thức ăn dồi dào, khí hậu phù hợp. Chính vì vậy, để nghề nuôi chim yến mang lại hiệu quả kinh tế cao, có sức cạnh tranh trên thị trường thì cần phát triển theo chuỗi giá trị sản phẩm gắn kết từ sản xuất, chế biến và tiêu thụ.

 

 

Các chuyên gia phát biểu tại Chương trình

Ngoài ra, có ý kiến cho rằng, để phát triển an toàn, bền vững và hiệu quả nghề nuôi chim yến hiện nay cũng như về lâu dài, huyện Cần Giờ cần thực hiện quy hoạch vùng nuôi phù hợp với điều kiện sinh thái môi trường tự nhiên. Song song đó, ngành chức năng huyện cần tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi chim yến cho các cơ sở, hộ nuôi, nhất là chú trọng, khuyến cáo nhân rộng những mô hình hiệu quả. Mặt khác, có cơ chế quản lý và thúc đẩy sự liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm tổ yến để nâng cao giá trị, hạn chế tình trạng phát triển nuôi chim yến ồ ạt dẫn đến dư thừa, không nơi tiêu thụ, làm hạ giá thành tổ yến…

Tiếp đến, có giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nuôi chim yến, sản xuất chế biến, kinh doanh yến sào tham gia các hội chợ thương mại, hội thảo khoa học… để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tìm kiếm cơ hội, mở rộng thị trường cho mặt hàng yến sào, xuất khẩu tổ yến...

Tra cứu các chữ viết tắt trong bài viết.

TT

Số lượng lượt xem: 52
Tin mới hơn
Tin đã đưa