title

Cần Giờ thực hiện các giải pháp an sinh xã hội đối với đồng bào dân tộc thiểu số trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19
Thứ năm, 28/10/2021, 14:09 CH
Cỡ chữ Màu chữ image

Năm 2021, tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống của nhân dân. Đặc biệt từ tháng 5 đến hết tháng 9/2021, thành phố thực hiện giãn cách xã hội theo các Chỉ thị số 15, 16 và thực hiện “ai ở đâu thì ở yên đấy”, vấn đề an sinh xã hội đặt ra hết sức bức thiết. Qua điều tra, khảo sát hộ nghèo, hộ cận nghèo giai đoạn 2021-2025, Cần Giờ có 106 hộ nghèo người dân tộc thiểu số, chiếm 35,7% tổng số hộ dân tộc thiểu số (297 hộ), và 34 hộ cận nghèo, chiếm 11,45% tổng số hộ dân tộc thiểu số. Do số hộ nghèo, cận nghèo người dân tộc thiểu số chiếm tỷ lệ cao nên huyện xem đây là đối tượng cần ưu tiên quan tâm để chăm lo, thực hiện các giải pháp an sinh xã hội trong suốt thời gian phòng, chống dịch Covid-19.

Thông qua các cuộc họp Ban Chỉ đạo và Sở Chỉ huy phòng, chống dịch Covid-19 của huyện, UBND huyện chỉ đạo các đơn vị có liên quan, UBND các xã, thị trấn phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể từ huyện đến xã, thị trấn tăng cường công tác tuyên truyền về phòng, chống dịch Covid-19, triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định của Trung ương, Thành phố, đồng thời triển khai các mô hình giúp dân, vận động các các nguồn lực xã hội đảm bảo thực hiện an sinh xã hội trong nhân dân và đồng bào dân tộc thiểu số.

UBND các xã, thị trấn phối hợp với Mặt trận, đoàn thể các cấp tăng cường tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 trong các khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; vận động đồng bào tham gia xét nghiệm SARS-CoV-2 và tiêm ngừa vắc xin; tuyên truyền chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Công tác tuyên truyền được thực hiện bằng nhiều hình thức: tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh 4 lần/ngày, tuyên truyền bằng xe loa tại các khu dân cư, tuyên truyền trên các trang mạng xã hội, thông qua các Tổ Covid cộng đồng, phát tờ rơi tuyên truyền biện pháp 5K đến từng hộ dân... Đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và các yêu cầu về “ai ở đâu thì ở đó”, “nhà cách ly với nhà”, “tổ dân phố cách ly với tổ dân phố”... do đó, trong suốt đợt dịch chỉ xảy ra 04 trường hợp người dân tộc thiểu số bị nhiễm Covid-19 (F0), đến nay đã được điều trị khỏi.

Đến nay, huyện đã hỗ trợ kinh phí và gói an sinh xã hội cho 140 hộ dân tộc thiểu số diện hộ nghèo, cận nghèo và hộ có hoàn cảnh khó khăn; 365 người dân tộc thiểu số là lao động tự do bị mất việc làm, giảm thu nhập với tổng số tiền 757.500.000 đồng; phân bổ 2,7 tấn gạo từ nguồn Cục dự trữ gạo khu vực Đông Nam bộ cho 182 lượt hộ người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, qua rà soát, chính quyền các cấp cũng đã tiếp nhận, xử lý và hỗ trợ 38 lượt phản ánh, kiến nghị của người dân tộc thiểu số qua Cổng thông tin 1022.

UBND các xã, thị trấn phối hợp Mặt trận và các đoàn thể triển khai thực hiện nhiều mô hình: “Đi chợ thay”, “Chợ tình nghĩa”, “San sẻ yêu thương”, “Chuyến xe nghĩa tình”, “Trao quà tận tay”...; đồng thời vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ lương thực, thực phẩm thiết yếu cho 120 lượt hộ dân tộc thiểu số, tổng trị giá trên 50.000.000 đồng; tặng 32 phần quà gồm sữa, bánh trung thu, vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, mỗi phần trị giá 400.000 đồng.

Ngoài ra, huyện cũng đã tiếp nhận của Ban Dân tộc thành phố 500kg gạo, của Hội Chữ thập đỏ thành phố 62 phần quà cho hộ dân tộc Khmer diện hộ nghèo, cận nghèo, mỗi phần trị giá 500.000 đồng; lập danh sách 02 học sinh dân tộc Khmer có hoàn cảnh khó khăn chưa có máy tính học tập, gửi Ban Dân tộc thành phố để được xem xét hỗ trợ. Ngoài ra, Ban Dân tộc thành phố cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên và tặng quà hỗ trợ cho 03 người dân tộc thiểu số bị nhiễm Covid-19 (F0), mỗi người 2.000.000 đồng.

Việc quan tâm thực hiện các giải pháp an sinh xã hội trong thời gian phòng, chống dịch Covid-19 đã góp phần quan trọng trong việc thực hiện chính sách dân tộc cũng như bảo đảm an ninh, trật tự xã hội tại huyện. Tuy nhiên hiện nay, do ảnh hưởng của việc người lao động bị mất việc làm, giảm thu nhập, dự kiến số hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục tăng, đòi hỏi huyện có những giải pháp mới phù hợp với việc kiểm soát dịch bệnh và yêu cầu phát triển kinh tế, chăm lo đời sống nhân dân.

Trên cơ sở triển khai thực hiện Chỉ thị số 18/CT-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2021 của UBND thành phố về tiếp tục kiểm soát, điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 và từng bước phục hồi, phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn thành phố; UBND huyện sẽ chỉ đạo các ngành kinh tế, lao động - thương binh và xã hội, giáo dục, y tế… xây dựng kế hoạch liên tịch với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể huyện để triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách chăm lo đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó ưu tiên cho việc phục hồi các ngành sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; đẩy mạnh thực hiện các giải pháp, chính sách trong chương trình đào tạo nghề, giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững.

Nguồn:

Số lượng lượt xem: 621
Tin mới hơn
Tin đã đưa